Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Phạm Đình Hổ
bó 把
◎ Nôm: 布 Đọc âm PHV. AHV: bả, bá. Ss đối ứng pɔ, bɔ (26 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 179], tro? (Katu) [NH Hoành 1998: 249]. bả / bó , nắm gốc Hán, chét, ôm gốc Việt.
dt. (lượng từ) ôm, nguyên nghĩa gốc là lượng từ, trỏ một khối lượng sự vật trong lòng bàn tay, giống như chét trong chét lúa. Thuyết Văn ghi: “Bả: nắm tay” (把,握也). Sách Mạnh Tử ghi: (拱把之桐梓), chú rằng: “dùng một tay mà bốc” (以一手把之也). Dương Vạn Lý có câu: “tháng hai sơn thành chẳng có đến một bó rau” (二月山城無菜把). nhật dụng thường đàm ghi: “Hoả bả 火把: là bó đuốc” [Phạm Đình Hổ 1827: 39b]. Đạp áng mây ôm củi, ngồi bên suối gác cần câu. (Trần tình 41.3). x. nắm.
cháo 𥹙
◎ Có thuyết cho rằng nguyên từ là chúc 粥. Tạm để tồn nghi. Xét, cuối thế kỷ XVIII - đầu XIX còn từ lão đặc, lão lỏng [Phạm Đình Hổ 1827: 28b], còn lưu tích trong cháo lão , cháo = lão.
dt. gạo nấu loãng. Của thết người là của còn, khó khăn, phải đạo, cháo càng ngon. (Bảo kính 149.2). Cháo hoa có hiệu hi trì mát thay. (CNNA 15).
cuốc 𲇣 / 掬
◎ Phạm Đình Hổ ghi “Cúc (鞠) là cuốc.” [1827: 24b], có lẽ là nhầm, vì 鞠 nghĩa là quả bóng da. Ss đối ứng kuək (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 203]. Đây là từ Việt-Mường.
dt. nông cụ có lưỡi sắt tra vào cán. Cuốc cằn ước xáo vườn chư tử, thuyền mọn khôn đua bể lục kinh. (Ngôn chí 7.3, 13.6)‖ (Thuật hứng 48.1).
đgt. dùng cái cày để làm đất. Cày ruộng cuốc vườn dầu hết khoẻ, tôi Đường Ngu ở đất Đường Ngu. (Trần tình 43.7)
khoai 魁
◎ Nôm: 芌 AHV: khôi. Ss đối ứng kʼwaj (26 thổ ngữ Mường), ku⁴ law², ku⁴ poŋ³ (1 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 231].
dt. chuyên trỏ cho các loại khoai nói chung, nhưng thường là trỏ khoai lang. “vu 芋 tục gọi là khoai, củ to là khôi 魁, tục gọi là khoai nạ, củ nhỏ là nãi 奶 tục gọi là nàng ả, nàng hai. củ nãi bám trên dưới bốn bên củ khôi, lớn nhỏ như những cái vú nên mới gọi là nãi.”[Phạm Đình Hổ 1998: 113]. Xét, “khoai” là từ gốc Việt, nhưng đã được dịch sang tiếng Hán. “cây khoai lang: vốn xuất xứ ở châu mỹ, được truyền sang vùng đông Nam Á vào thế kỷ XVI. Khoảng niên hiệu Vạn Lịch (1573 - 1620) đời Minh, ông trần ích, người quảng đông đem giống cây khoai lang từ Việt Nam tới và ông trần chấn long, người phúc kiến đem giống khoai lang từ phi-líp-pin về, sau đó cây khoai lang được trồng rộng rãi ở vùng quảng đông, phúc kiến.” [mẫn thông điện 1989: 178, chuyển dẫn đàm chí từ 2004]. Như vậy, “魁” là một từ Việt Hán. Ngày tháng kê khoai những sản hằng, tường đào ngõ mận ngại thung thăng. (Mạn thuật 23.1).
kê 󰏲
dt. cây lượng thực, thuộc ngũ cốc. “hoàng lương còn có một tên nữa là lang vĩ lương, tục gọi là , cũng là loài ngũ cốc” [Phạm Đình Hổ 1998: 113]. Ngày tháng khoai những sản hằng, tường đào ngõ mận ngại thung thăng. (Mạn thuật 23.1)‖ (Thuật hứng 48.2).
kình 鯨 / 䲔
dt. chày hình con cá kình, dùng để gióng chuông. Truyền thuyết rằng con bồ lao (một trong chín con của rồng) rất sợ cá kình, khi gặp thì cất tiếng kêu rất lớn [Phạm Đình Hổ 1997]. Trên chuông thường đúc đôi bồ lao làm quai treo, nên chuông còn được gọi là bồ lao. Bồ lao khi đánh bằng chày kình thì sẽ kêu tiếng lớn. Nguyệt mọc đầu non kình dỏi tiếng, khói tan mặt nước thẩn không lầu. (Ngôn chí 19.3).
kế 髻
dt. búi tóc. “Kế (髻) là cái búi tóc.” [Phạm Đình Hổ 1827: 17b]. Đầu kế lăng căng những hổ, thân hèn lục cục mỗ già. (Tự thán 94.3).
lan 蘭
dt. hoa lan, biểu tượng của người quân tử ẩn dật. Hoa lan là loài thích mọc nơi hẻo lánh, đẹp đẽ mà sâu kín. Hoa được ví với tư chất, đạo đức của người quân tử. Khuất Nguyên (390- 278 tcn) là người đầu tiên xây dựng biểu tượng hoa lan. Hoa lan- cỏ thơm và mỹ nhân là ba biểu tượng về con người quân tử xuất hiện rất nhiều trong thơ ông: Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc, uống sương sa dưới gốc mộc lan (ly ). Đến khi không được vua tin dùng, ông viết: cỏ lan thơm ngát chê bai chẳng dùng. Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) trong lan xã khế phả (1795) ghi: “Hoa lan là loài quốc hương, ẩn trong hang tối người ta vẫn biết. Đáng yêu tựa giai nhân, đẹp nhưng biết giấu kín vẻ diễm lệ của mình. Đáng cắm với bình vàng. Quân tử vui lòng đeo ở trước ngực. Hoa là chí nhàn dật của tao nhân. Lan ơi, lan ơi! mi chẳng phải là chúa tể của các mùi hương sao! phu tử ta bởi vậy mà vặn đàn ca hát, thú thành thị lâm tuyền đâu kén được ở lan” (thế kỷ anh dịch). (Ngôn chí 17.6)‖ (Thuật hứng 48.2, 52.5, 60.5)‖ (Tự thuật 117.1)‖ (Cúc 216.7)‖ Lan huệ chẳng thơm thì chớ, nữa chi lại phải chốn tanh tao. (Bảo kính 167.7)
lạng 两
dt. đơn vị tiêu chuẩn trong đo lường trọng lượng, giá trị tiền bạc xưa. “Lạng là một lạng mười tiền.” [Phạm Đình Hổ 1827: 40b]. Thiên thơ án sách qua ngày tháng, một khắc cầm nên mấy lạng vàng. (Thuật hứng 55.8). lượng.
triện hương 篆香
dt. “hương có nhiều loại, không loại nào giống loại nào. Loại thường dùng là chứ hương, triện hương và tuyến hương (…) triện hương là nấu sắt thành khuôn, chạm khắc nét chữ triện, nén mạt hương theo nét chữ, đốt lửa ở nét đầu của chữ triện, khiến cho hương cứ theo nét chữ mà cháy. Điều này lược thấy trong sách Thành Kim Đạo Sinh Nhập Tiên của họ Thạch. Sách Đối Liên Tập của Trung Quốc có câu: hương yên triện, xuất bình an tự (khói hương theo hình chữ triện “bình an” của bánh hương mà bốc lên) thì ý của câu này cũng như vậy. Có người giải thích khói hương bay lên thành hình chữ triện là nhầm. Vế dưới của câu đối là: đăng diệm trang thành phú quí hoa (lửa đèn tô điểm thành hoa phú quí). Bởi hoa mẫu đơn là hoa phú quí. Hoa mẫu đơn còn gọi là song đầu, trùng đài, ngọc lâu, vì nhuỵ hoa vươn lên tầng tầng lớp lớp. Phàm trong nhà có hoa đèn phun châu tầng tầng lớp lớp tất có điềm lành lớn. Tác giả lấy đó kết thành câu đối, cấu tứ rất khéo mà sự thực về hương nhân đó có thể xét được vậy” [Phạm Đình Hổ - quần thư tham khảo: 34-35; chuyển dẫn TK Anh 1995: 52], sau này triện hương được dùng như bàn hương 盤香 (vòng hương), nén hương vòng. Lý Thanh Chiếu đời Tống trong bài từ mãn đình phương có câu: “Nén hương thắp hết, bóng nhật dưới rèm câu.” (篆香燒盡,日影下簾鈎 triện hương thiêu tận, nhật ảnh hạ liêm câu). Song có hoa mai, đìa có nguyệt, án còn phiến sách, triện còn hương. (Tự thán 82.4)‖ (Tức sự 125.2)‖ (Hoa mẫu đơn 233.4)‖ thi nhân khi ấy chi làm bạn, một triện trầm hương một chén chè (HĐQA- lại vịnh cảnh hè).
đầu kế 頭髻
dt. HVVT đầu kết búi tóc ở sau. “kế (髻) là cái búi tóc” [Phạm Đình Hổ 1827: 17b]. Đầu kế lăng căng những hổ, thân hèn lục cục mỗ già. (Tự thán 94.3).
canh 羹
◎ Chữ hội ý, gồm chữ cao 羔 (dê non) và chữ mỹ 美 (dê to). Người phía Bắc Hoa Hạ xưa chủ yếu là dân du mục, thức ăn chính là thịt cừu thịt dê, nên mới gộp hai chữ có cùng bộ dương. Nghĩa ban đầu, canh trỏ mùi thịt tươi ngon. Nấu thịt với rau và gia vị thì thành món thịt có nước sệt. Sách Thuyết văn ghi : “ngũ vị hòa canh” (五味和羹). Như vậy, chữ canh thời thượng cổ là trỏ món thịt hầm rau, phân biệt với thang (món nấu có nhiều nước). Canh mang nghĩa như thang là bắt đầu từ từ thời trung cổ trở lại đây. Chữ canh trong tiếng Việt hiện nay là trỏ (1) món rau, củ, quả nấu cùng với mắm; (2) nước rau luộc có nêm muối sau khi vớt rau ra (tùy từng vùng mà gọi); (3) món rau nấu với thịt, cá. Nhưng nghĩa thứ ba hiện đang dần được thay bằng từ súp. Thế kỷ XVII, Chỉ nam ngọc âm có tả một vài loại canh như sau: Đông qua là bí nấu canh ngọt dừ (69b), Huân hoắc riêu nấu hơi chua, Thái canh bất hoà cảm nhớ canh suông (20a), Thuần canh canh dút thơm nồng (20a), Khổ tửu dấm son chua thay, hà tương hiệu rày là mắm tôm canh (19b). Canh bính trắng một bánh canh, tôm he cà cuống thịt hành hồ tiêu (21a). Như vậy, đặc điểm của canh Việt là canh rau - mắm. Riêng món bánh canh thì miền Bắc hiện đã mất, còn bảo lưu trong tiếng Huế. và văn hoá Huế Tuy nhiên, tiếng Việt vẫn có một số từ bảo lưu nghĩa từ tiếng Hán, ví dụ: “Huyết canh (血羹) là tiết canh; Hà tí (蝦漬) là tôm canh.” (Phạm Đình Hổ 1827: 26b). Ss đối ứng: kɛŋ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 185].
dt. món rau nấu nhiều nước. Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, Nẻo có sâu, thì bỏ canh. (Bảo kính 136.6) tng. Con sâu bỏ rầu nồi canh‖ 134.6. Cứ liệu trong thơ Nguyễn Trãi cho thấy, nghĩa của canh đã được Việt hoá từ thế kỷ XV.